Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cách chữa trị bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ nhanh nhạy và hiệu quả

Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tiêu chảy không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ.

Tiêu chảy cấp là một trong những chứng bệnh rất quen thuộc và phổ biến nhất đối với trẻ em. Hàng năm có rất nhiều ca trẻ em nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Ở các nước đang phát triển người ta ước tính có tới 1,3 ngàn triệu lượt trẻ em bị tiêu chảy và 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm chết vì tiêu chảy. Trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chính của tử vong là do cơ thể bị mất nước và điện giải.

Hình ảnh: Cách chữa trị bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ nhanh nhạy và hiệu quả số 1

Trẻ bị tiêu chảy cấp mất rất nhiều nước, vì vậy cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất.

Lí do trẻ bị tiêu chảy cấp là vì nhiễm trùng đường ruột. Một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra điều này là do trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh như ăn đồ ăn ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm. Ngoài ra cũng có thể do bố mẹ chưa tạo cho bé thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, rửa tay sau đi đi vệ sinh. Các bậc phụ huynh lưu ý rằng một chế độ ăn uống không hợp lí mất cân bằng cũng có thể dẫn đến tiêu chảy cấp.

Cách xử lý khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Ngay khi trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất của cơ thể, tốt nhất là uống oresol (nhớ pha theo đúng chỉ định trên bao bì). Cho trẻ uống từ từ từng muỗng cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ không uống hết lượng dung dịch đã pha thì đổ đi pha đợt khác vì dung dịch đã pha sẽ bị hỏng.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy. Việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, giúp chức năng tiêu hóa hấp thu của ruột nhanh chóng trở về bình thường, rút ngắn thời gian tiêu chảy, cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ. Vì vậy, nên tránh sử dụng đồ ăn chứa nhiều lactose, giảm dị ứng prô-tê-in sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường, muối quá cao làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.

Cho trẻ ăn nhiều hơn, nếu ăn ít hoặc bỏ ăn trẻ sẽ bị sút cân, yếu đi kèm theo chức năng phục hồi đường ruột cũng tiến triển chậm theo chú ý dùng thức ăn dễ tiêu.

Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy:

Gạo (bột gạo), khoai tây

Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc

Sữa đậu nành (đậu tương), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose

Dầu thực vật

Cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo

Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp.

+ Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng phải pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.

+ Trẻ từ 6 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa... và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm... để tăng thêm lượng kali, beta, caroten, vitamin C...

Các thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy:

Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức uống, ăn này có thể làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.

Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.

Phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ

Để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý: Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Khi cho trẻ ăn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, cho trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.

Bên cạnh đó cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp vệ sinh.

- Ăn chín, uống sôi: sử dụng các thực phẩm rõ nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng đồ ăn để lâu ngày.

- Tiêm  phòng định kì cho trẻ, tiêm các loại vacxin phòng ngừa bệnh tiêu chảy.

- Tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến, Hangxachtaybaby sẽ sớm trả lời bạn. Xin chân thành cảm ơn