Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Các cách giúp bé đỡ kén ăn

Một trong những lo lắng nhất của bố mẹ là làm thế nào để bé yêu ăn ngoan và ăn tốt. Trong quá trình lớn, sẽ có những giai đoạn trẻ kén ăn khiến cho các mẹ đau đầu, và stress nặng. Dưới đây là 1 trong những cách để giúp trẻ và bố mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, các mẹ cần phải hiểu nguyên nhân tại sao trẻ kén ăn để từ đó đỡ gây ra stress cho bản thân và bình tĩnh cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tại sao bé lại kén ăn? 

Với trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi: Ăn dặm là 1 trải nghiệm mới và vì vậy, có thể bé cần thời gian để làm quen với hương vị, màu sắc của các món ăn mới.  Ăn uống là 1 phạm trù đặc biệt, và phản ứng của bé đôi khi không thể đoán trước được. Nếu có hôm nào đó bé yêu từ chối món yêu thích mà mẹ đã cất công nấu thì các mẹ cũng đừng buồn. Đó là điều hoàn toàn bình thường có thể xảy ra. Với các món ăn mới, bé sẽ không ăn cho đến khi nhìn thấy bố mẹ ăn nhiều lần.

Trẻ từ 1 trở đi: có nhiều nghiên cứu cho rằng từ sau 1 tuổi trở đi, trẻ lớn chậm lại và nhu cầu năng lượng không còn cao như trước nữa. Do đó trẻ sẽ không để ý nhiều đến thức ăn và ăn ít hơn. 1 lý do nữa là nhận thức của bé đã phát triển, và trở nên độc lập hơn và muốn thể hiện cái tôi, thể hiện sự lựa chọn của mình, đặc biệt là trong ăn uống.Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm là lúc tốt nhất để dạy bé cách ăn uống trước khi bé định hình thói quen ăn uống và bắt đầu thể hiện cái tôi, khẳng định sự độc lập của mình bằng cách từ chối ăn các món mới (đặc biệt là khi trẻ gần 2 tuổi trở đi).

Cuối cùng, có thể bé không thể ngồi yên 1 chỗ quá lâu. Các mẹ hãy cố gằng giúp bữa ăn của bé yên tĩnh hơn, không có quá nhiều thứ hấp dẫn xung quanh như đồ chơi, Tivi hay các con vật nuôi trong nhà như chó mèo

Bí quyết để bé chịu ăn món mới: 

  • Sắp xếp lịch ăn uống của bé phù hợp để bé có 3 bữa chính và 2 bữa phụ 1 ngày. Bác sĩ nói rằng trẻ kén ăn thường ăn ít mỗi bữa, do vậy hãy bố trí các bữa phụ để đảm bảo bé sẽ được ăn khi đói
  • Các mẹ hãy cho bé ăn nhiều loại hình thức ăn trong 1 bữa như rau, đạm, tinh bột, chất xơ, tráng miệng hoa quả v.v. Khi các mẹ muốn giới thiệu với con món mới, hãy lấy ra 1 ít thôi và đặt món đó cạnh các món bình thường khác. Chỉ giới thiệu, đừng ép hay mua chuộc con ăn.
  • Mỗi bữa ăn chỉ nấu cho con 1 món ăn mới với số lượng ít, đan xen cùng các món ăn bé đã ăn quen  rồi. Với trẻ lớn hơn, không nên nấu theo yêu cầu của trẻ hay hỏi „hôm nay con muốn ăn gì". Tuyệt đối không nấu các món trẻ yêu cầu nếu con không chịu ăn những món mẹ đã nấu cho bữa tối. Nếu các mẹ làm như vậy, trẻ sẽ trở nên kén ăn hơn nữa và chỉ ăn những thứ quen thuộc thôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài sau này khi trẻ lớn lên.
  • Lấy cho trẻ ít 1 thôi, đừng lấy 1 bát đầy, chỉ nhìn thôi cũng thấy sợ rồi thì chắc chắn bé sẽ không ăn đâu
  • Bố trí món mới vào bữa ăn chắc chắn trẻ sẽ đói nhất, thường là vào bữa trưa với trẻ dưới 2 tuổi và bữa tối với trẻ lớn hơn.
  • Hãy cảm thông và hiểu rằng có 1 số bé nhạy cảm với thức ăn hơn trẻ khác, do vậy, có thể trẻ từ chối ăn do màu sắc, hương vị, mùi của món ăn nào đó. Hoặc cũng có thể là món ăn đó bé ăn vào lúc bị ốm, bệnh, hoặc bị nôn sau khi ăn. Các mẹ là người hiểu con và quan sát con tốt nhất nên hãy để ý và nhạy cảm trong trường hợp này. Với các món ăn có màu sắc và hương vị mới, các mẹ dọn ra vài lần cho bé quen, lâu dần bé sẽ ăn. Còn với trường hợp bé có ấn tượng xấu (do bị bệnh, ốm, nôn mửa sau khi ăn món đó lần trước) thì hãy cho bé thời gian để bé vượt qua.
  • Đối với trẻ lớn, các mẹ nên để cho con cùng tham gia quá trình chuẩn bị thức ăn và dạy trẻ giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm. Được tham gia cùng mẹ chuẩn bị và nấu ăn cũng sẽ giúp trẻ đỡ kén ăn.
  • Hạn chế tối đa các hoạt động khác xung quanh khi trẻ ăn như tivi, đồ chơi, chó mèo, máy tính v.v.
  • Theo nghiên cứu về tâm lý ăn uống của trẻ của trường đại học Berkeley, California, trẻ dù lớn hay bé cũng luôn muốn tự quyết định mình sẽ ăn gì. Nếu các mẹ bắt các bé phải ăn những thứ bé không thích, hoặc ăn nhiều hơn bé muốn, các mẹ sẽ tạo ra cho chính mình và con những khó khăn liên quan đến ăn uống trong tương lai: đó là trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh hơn và càng trở nên kén ăn hơn.
  • Đừng quá lo lắng nếu bé yêu không lớn nhanh như bạn mong muốn. Trẻ con thường lớn theo từng giai đoạn, có lúc nhanh và có lúc chững lại. Nếu các mẹ quá lo lắng, bị stress hãy cố gắng đừng để ảnh hưởng đến con. Các mẹ càng giục giã, quát mắng hay bực bội với con về chuyện ăn uống, con lại càng trở nên kén ăn hơn.

Theo cuốn "How to get your kids to eat… but not too much" của Ellyn Satter

Ellyn Satter là tiến sĩ về dinh dưỡng trẻ hàng đầu hiện nay của Mỹ và các nước Châu Âu. Bà đã xuất bản rất nhiều sách, báo và các bài viết liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và cách cho trẻ ăn, và là người đi tiên phong trong việc kết hợp giữa tâm sinh lý với vấn đề ăn uống và cách cho trẻ ăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến, Hangxachtaybaby sẽ sớm trả lời bạn. Xin chân thành cảm ơn